tìm bệnh theo tên (nhập chữ cái đầu tiên của tên bệnh bạn muốn tìm) ABCDEGHKMNOPQRSTUVXKhông còn mối lo cong vẹo cột sống Bằng biện pháp vít cuống cung sử dụng kỹ thuật hình phễu để nắn chỉnh vẹo cột sống, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã hóa giải hình ảnh 'Tể tướng Lưu gù' cho nhiều bệnh nhân bị gù vẹo cột sống. Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống, đây là kỹ thuật điều trị an toàn, giúp bệnh nhân thoát khỏi những hậu quả sức khỏe do cột sống cong vẹo gây ra cũng như đạt giá trị thẩm mỹ cho người bệnh.
Trả lại dáng vẻ bình thường cho người bệnh
Nếu nhìn em Nguyễn Phương Anh, 14 tuổi (Như Xuân - Thanh Hóa) từ phía sau, người ta có thể nhầm lẫn đó là một cụ già bé nhỏ, lưng còng. Xót xa nhìn con ngày một lớn lên với dáng vẻ khổ sở như vậy nhưng anh Nguyễn Văn T., bố Phương Anh chẳng thể làm gì. Dành dụm mãi gia đình mới đưa cháu ra Bệnh viện Việt Đức để khám và mong muốn được phẫu thuật. Các bác sĩ Khoa phẫu thuật cột sống cho biết, bệnh nhân Nguyễn Phương Anh mới 14 tuổi nhưng cột sống đã cong 72 độ khiến em không thể đứng thẳng. Tình trạng cong vẹo cột sống không chỉ làm em khó vận động mà còn gây đau ngực, khó thở do thông khí phổi hạn chế, phổi bên trái bị xẹp. Để khắc phục bệnh và những biến chứng gây ra cho bệnh nhân, các bác sĩ quyết định phẫu thuật với phương pháp vít cuống cung bằng kỹ thuật hình phễu. Sau 2 tuần phẫu thuật, nắn chỉnh, góc vẹo của Phương Anh còn 22 độ, tỉ lệ nắn chỉnh đạt 70%, dáng người của bệnh nhân gần như người bình thường.
Ngồi học đúng tư thế để phòng ngừa nguy cơ cong vẹo cột sống.
Phương pháp mới, hiệu quả cao
Khoa phẫu thuật cột sống- Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện phương pháp vít cuống cung cho trên 46 bệnh nhân, tuổi từ 12 - 36, với tỉ lệ cong vẹo trên 50 độ là 82,6%, góc vẹo trung bình là 50,8 độ. Kết quả sau mổ theo dõi trung bình 18,3 tháng cho thấy, góc vẹo trung bình còn là 15,6 độ, chiều cao tăng thêm 6,7cm so với trước mổ.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch cho biết, điều trị vẹo cột sống dựa chủ yếu vào góc vẹo cột sống. Nếu góc vẹo nhỏ, dưới 40 độ, bệnh nhân có thể dùng áo chỉnh hình và theo dõi sát. Nhưng khi góc vẹo lớn hơn 40 độ thì phải được phẫu thuật chỉnh hình. Trước đây, người ta dùng hệ thống móc chân cung đối với các đốt sống ngực để nắn chỉnh và chống di lệch xoay, hệ thống này dễ đặt ốc. Tuy nhiên, trong trường hợp vẹo nhiều và cứng như trường hợp của bệnh nhân Anh thì khả năng nắn chỉnh không tốt có thể đưa đến vỡ báng sống, rất nguy hiểm. Bắt vít cuống cung bằng kỹ thuật hình phễu là một phương pháp mới được đưa vào áp dụng có hiệu quả cao và an toàn trong việc nắn chỉnh cột sống và duy trì sự nắn chỉnh này trong thời gian dài, giúp liền xương tốt hơn.
PGS. Thạch cũng nhấn mạnh, phẫu thuật nắn chỉnh cột sống là một kỹ thuật rất khó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải được đào tạo căn bản và có kinh nghiệm để thao tác được an toàn cho bệnh nhân. Bởi cột sống là nơi chứa tủy sống và các đám thần kinh quan trọng, điều khiển hoạt động của cơ thể, chỉ một chút thiếu chính xác trong phẫu thuật cũng có thể dẫn tới tổn thương gây liệt hoặc tử vong. Trong khi đó, phẫu thuật rất khó khăn, đa phần bệnh nhân phải tiến hành mổ phối hợp, vừa phẫu thuật để lấy đĩa đệm giải phóng đoạn cứng, vừa phải thực hiện để nắn chỉnh cột sống bằng vít cuống cung và hàn xương. Thời gian trung bình của một ca thường kéo dài từ 5 - 8 tiếng, thời gian nằm viện từ 8 - 18 ngày.
Cong vẹo cột sống ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch, vẹo cột sống là một bệnh lý nặng, xảy ra ở mọi lứa tuổi, tiến triển nhanh ở tuổi dậy thì. Vẹo cột sống có nhiều nguyên nhân: bẩm sinh, vẹo cột sống kèm theo các bệnh lý tuỷ sống hay thần kinh cơ (bướu đa sợi thần kinh, hội chứng Marfan, rỗng tuỷ sống, thoát vị hạnh nhân tiểu não, di chứng sốt bại liệt...) nhưng hay gặp nhất là vẹo cột sống vô căn, chiếm 60 -70%. Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng sống của bệnh nhân. Vẹo cột sống không chỉ làm mất thẩm mỹ, tác động tiêu cực đến tâm sinh lý mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như làm giảm chức năng hô hấp, tim mạch...
Tình trạng vẹo cột sống sẽ gây lệch trọng tâm cơ thể, khiến trẻ ngồi học mau mỏi, tê chân, không giữ được tư thế ngay ngắn, gây cản trở cho việc đọc và viết, dẫn đến căng thẳng thị giác, kém tập trung. Nếu vẹo 50 - 60 độ, các chức năng hô hấp và tim mạch sẽ bị ảnh hưởng. Ở các em gái, nó còn gây khó khăn cho việc sinh nở sau này. Ngoài ra, chứng vẹo cột sống thường kèm thêm nhiều bệnh khác như sa ruột, sa dạ dày, chân vòng kiềng, chân chữ X, bàn chân bẹt, bẹp lồng ngực, méo xương chậu... So với các học sinh bình thường, học sinh vẹo cột sống cũng thường có thể lực kém hơn. Tai hại nhất là chứng vẹo cột sống ảnh hưởng đến tương lai của trẻ vì chúng không thể theo những ngành đòi hỏi có thân hình cân đối và phát triển tốt (như phi công, vũ công, vận động viên, người mẫu...).
Mang cặp sách nặng, lao động sớm - SOS!
Hiện nay, đối tượng bị cong vẹo cột sống nhiều nhất là học sinh phổ thông. Tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ em nông thôn cao hơn nhiều so với thành phố và bệnh đang ngày có xu hướng gia tăng. Các chuyên gia cột sống cho hay, nguyên nhân chính của tình trạng trên là thiết bị học tập sai quy cách, chẳng hạn bàn ghế quá cao hoặc quá thấp, bàn đóng liền với ghế. Một nguyên nhân phổ biến khác là thói quen xách cặp nặng ở một bên tay hoặc cắp vào nách, đội lên đầu, ôm trước ngực. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như bệnh tật (bại liệt, lao cột sống, tràn dịch màng phổi, còi xương, suy dinh dưỡng), trẻ phải lao động nặng quá sớm (thường xuyên gánh, vác đồ vật nặng hoặc bế nách em nhỏ).
PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch - cho biết, lứa tuổi là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật. Tuổi mổ vẹo cột sống tốt nhất là từ 14 - 17 tuổi, đây là giai đoạn cột sống đã phát triển tương đối ổn định và quan trọng hơn là lứa tuổi này cột sống còn mềm dẻo. Các bậc cha mẹ, thầy cô cần hướng dẫn trẻ có tư thế ngồi học đúng, giảm áp lực mang cặp sách nặng khi trẻ đến trường. Trẻ em nông thôn không nên lao động cưc nhọc khi còn quá nhỏ.
Tác giả: Hà Anh Nguồn: Báo Sức khoẻ & Đời sống số 181 ngày 13/11/2010 --------------------------------------------------------------------------------